Đak Đoa khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội

08/08/2023
        Nằm ở cửa ngõ phía đông của thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa có một vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Gia Lai. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Đak Đoa đã tập trung mọi nguồn lực, từng bước biến các tiềm năng thành lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

       
      Huyện Đak Đoa có dân số 130.059 người, trong đó tỷ lệ dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 59%, huyện có diện tích đất tự nhiên trên 98.511 ha. Là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao thông quan trọng, có 3 tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn là Quốc lộ 19, Quốc lộ 14 và quốc lộ 19D. Đặc biệt quốc lộ 19 là tuyến giao thông huyết mạch nối Cảng Quy Nhơn đến với các tỉnh Tây Nguyên. Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, huyện có rất nhiều tiềm năng phát triển, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá, hình thành một hệ sinh thái kết nối thương mại.

          Cùng với đó, Đak Đoa còn có một nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, với những thảm thực vật phong phú, thích hợp cho phát triển trồng rừng, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của huyện là 86.139,80ha, chiếm 87,44% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện.
          Không chỉ chứa đựng trong mình một nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ mà nơi đây còn lưu giữ rất nhiều những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc trong huyện, hiện trên địa bàn huyện có 01 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến với mảnh đất mến khách Đak Đoa, chúng ta sẽ cảm nhận được nét độc đáo đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa, như lễ hội cồng chiêng; lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước và những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, những điệu kể khan mộc mạc chân tình. Giàu về tài nguyên đất đai, phong phú về các nét đẹp văn hóa độc đáo, Đak Đoa còn có một nguồn lao động trẻ dồi dào, là những điều kiện thuận lợi để huyện Đak Đoa thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

      Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển, đưa Đak Đoa trở thành một trong những huyện có nền kinh tế-xã hội phát triển, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực tại chỗ, đầu tư đồng bộ hạ tầng để phục vụ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời triển khai thực hiện nhiều chính sách kêu gọi thu hút đầu tư và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay đã có 6 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn huyện, trong đó có 2 dự án nhà máy điện gió của Công ty cổ phần Điện gió Ia Pết 1 và Công ty cổ phần Điện gió Ia Pết 2 đã hoàn thành, đang vận hành thương mại; 01 dự án Khu dân cư mới (nằm trong Khu trung tâm hành chính huyện, kết hợp khu dân cư thị trấn Đak Đoa) của Công ty CP May Diêm sài Gòn đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đang thực hiện các thủ tục bàn giao cơ sở hạ tầng; 01 dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn trái công nghệ cao của Công ty CP nông nghiệp chất lượng cao Hưng Sơn đang hoạt động, trồng chuối và cây dược liệu. Riêng dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Glar của Công ty TNHH nông nghiệp SEC, hiện đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đất để triển khai thực hiện.
 
          Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách mời gọi thu hút đầu tư, cấp ủy, chính quyền huyện Đak Đoa cũng đã tiếp tục có nhiều đổi mới về tư duy lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết mang tính chiến lược. Nhờ đó mà nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển toàn diện, với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 11,08%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

      Trong chương trình xây dựng NTM, cùng với thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở khu vực nông nghiệp, nông thôn, với chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, huyện Đak Đoa đã quan tâm đến việc khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo môi trường để bà con nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi tư duy sản xuất của ba con nông dân từ nhỏ lẻ, thuần túy sang sản xuất theo hướng đa giá trị, tập trung, liên kết, bền vững, an toàn, tiêu chuẩn chất lượng và ứng dụng công nghệ, chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất và tạo ra những sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của từng địa phương. Đến nay tổng diện tích cây trồng chủ yếu của huyện là 50.330ha, trong đó có 40.830 ha cây công nghiệp dài ngày, với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, bời lời và cây ăn trái. Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân trong huyện đã chủ động đưa một số loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao như: Chanh dây, khoai lang Nhật, cây dược liệu, các loại cây ăn quả vào trồng để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, GlobalGAP, Organic... gắn với xây dựng mã số vùng trồng. Hiện huyện đã được cấp 15 mã số vùng trồng đối với các sản phẩm chanh leo, Sầu riêng, chuối; 3 mã số cơ sở đóng gói gói hoa quả tươi và 01 mã cơ sở đóng gói Sầu riêng, Chanh dây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện trên địa bàn huyện cũng đã có 32 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

          Cùng với khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế thì việc duy trì, bảo tồn văn hóa, nghề thủ công truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng cũng được huyện hết sức quan tâm. Bằng việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao; lễ hội cồng chiêng; phục dựng lễ hội truyền thống, tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang cho thanh thiếu niên, học sinh; hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát… Ông Nguyễn Hữu Thọ- tỉnh ủy viên- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa cho biết: “Trong giai đoạn tới thì huyện Đak Đoa vẫn tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để mà phấn đấu xây dựng Đak Đoa phát triển nhanh trong giai đoạn 2020 – 2025 như Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. Đồng thời triển khai thật tốt và đồng bộ 03 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi cùng với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Đây là 03 chương trình mục tiêu lớn mà trong đó là nguồn lực để giúp cho Đak Đoa có thể tận dụng nhất là giai đoạn chúng ta đang khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như trong các phát triển các dự án”.

          Với quyết tâm và khát vọng phát triển, Trong thời gian tới Đak Đoa sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chiến lược, chủ động tạo ra động lực mạnh mẽ để kinh tế - xã hội địa phương bứt phá vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh, tăng cường công tác quảng bá để thu hút đầu tư về địa phương.
 
                                                                            Thu Hoài 
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...