NIỀM ĐAM MÊ NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA ANH RINH

28/09/2023
          Đến xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, hỏi anh Rinh ở làng Ngơm Thung thì ai cũng biết, bởi anh không chỉ gương mẫu trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi, mà còn là người có tâm huyết giữ gìn, phát triển nghề đan lát truyền thống của địa phương.

Anh Rinh (người ngồi giữa) cùng các nghệ nhân xã Ia Pết đang đan gùi
 
Trước đây, Ngơm Thung là một trong những thôn nghèo nhất của xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, gia đình anh Rinh cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhà đông anh em nhưng ít đất sản xuất, nên từ khi học lớp 5, sau giờ học, anh Rinh thường xuyên theo cha lên rừng chặt cây lồ ô, cây mây đem về đan các vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày như rổ, rá, gùi. Thấy con ham học hỏi và thích đan lát nên cha và người bác của anh đã truyền dạy cho anh cách chẻ nan, đan lát. Khi lớn lên anh lại học hỏi thêm những người lớn tuổi có thâm niên đan gùi trong làng về những kỹ thuật và bí quyết để đan được những chiếc gùi đẹp, như cách phối màu, trang trí hoa văn, họa tiết để tạo nên những sản phẩm tinh tế. Nhờ vậy mà tay nghề đan lát của anh ngày càng được nâng lên, từ đan những vật dụng đơn giản như rổ rá, gùi đến những sản phẩm khó như túi xách, lọ hoa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trở thành một trong những nghệ nhân đan lát giỏi nhất của xã Ia Pết. Theo anh Rinh, để có được một chiếc gùi đẹp và bền chắc thì phải mất nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là chọn lựa cây tre, lồ ô đảm bảo yêu cầu, chất lượng. Nhờ có tay nghề cao, kỹ thuật đan khéo léo, sản phẩm làm ra bền đẹp, họa tiết hoa văn tinh tế nên các sản phẩm của  anh Rinh đã được nhiều người trong xã, trong huyện và một số khách hàng từ các tỉnh Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh, các khách hàng ở Lào và Campuchia tìm đến để mua và đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra anh còn đưa sản phẩm trưng bày và bán tại các hội chợ của huyện, của tỉnh. Hiện bình quân mỗi ngày anh Rinh đan được 1 chiếc gùi lớn hoặc 2 chiếc gùi nhỏ, với giá bán từ 200 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/chiếc (tùy loại), mỗi tháng anh thu nhập trên 12 triệu đồng. Với tay nghề chắc và tạo ra các sản phẩm đan lát truyền thống chất lượng, thẩm mỹ nên anh Rinh thường xuyên được xã và huyện trưng tập tham gia các Hội thi của huyện, của tỉnh và đạt được nhiều giải thưởng.Anh Rinh, làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nói: Mình đan gùi từ nhỏ, mình học chỗ ông chú từ lúc còn học lớp 5, trong làng mình thì nghề đan gùi do ông già trước để lại, có gùi mà đi xách nước, gùi gieo lúa, đi đám ma và đi lễ hội, đồng bào mình thì cần cái gùi. Trong làng thì có người bán, có người đan. Thu nhập trong gia đình mình 1 tháng thì được mười hay mười một triệu gì đó, trong làng mình thì trẻ nhỏ và phụ nữ người nào cũng biết đan gùi, mùa mưa thì đi làm ruộng rẫy, xong rồi làm cỏ và mọi việc đều xong rồi lại đan gùi để cho gia đình mình tăng thêm nguồn thu nhập để nuôi con cái. Đan gùi là giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại”.

Với vai trò là Tổ trường tổ đan lát của xã, anh Rinh đã tích cực truyền dạy nghề đan lát cho người dân trong làng, trong xã. Đặc biệt, anh Rinh còn thường xuyên truyền dạy và tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với nghề đan lát để góp phần bảo tồn và phát triển các ngành, nghề truyền thống của địa phương. Anh Bùi Văn Bài, Công chức văn hóa xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho biết: “Riêng hộ ông Rinh thì ngoài bản thân ông đan thì ông còn vận động cả gia đình cùng tập trung làm nghề đan lát này. Trong những năm qua thì riêng hộ ông Rinh, xã đã đưa đi trình diễn đan lát tại các hội thi trên tỉnh, đặc biệt là Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ 2 của tỉnh Gia Lai đưa cả hộ gia đình ông đi tham gia, ông cũng đã truyền dạy cho một số hộ, tổ khác và làm ra sản phẩm đã kinh doanh được rồi”.
Trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, nhiều sản phẩm được làm bằng máy móc với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú ra đời đã thay thế nhiều sản phẩm truyền thống, khiến cho một số ngành nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một.Chính vì vậy những người như anh Rinh là những nhân tố tích cực đã và đang đóng góp quan trọng trong việc khôi phục, giữ gìn và phát triển các ngành nghề, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập./.
 
                                                                      Ngọc Định-TTVHTT huyện Đak Đoa
 
 

 
 

CÁC TIN KHÁC

  1         ...