Tín dụng chính sách xã hội góp phần vào cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

08/08/2023
       Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quang cảnh Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ thay đổi nếp nghĩ,
cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững”

Ngày 4/8/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững”, tham dự có đại diện Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội LHPN tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội LHPN 17 huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo Hội cơ sở, chi hội trưởng phụ nữ và đại diện Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phụ nữ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. 

Tại buổi Hội thảo, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã có báo cáo tham luận vai trò, giải pháp của tín dụng chính sách xã hội đối với cuộc vận động theo Chỉ thị 08-CT/TU trong thời gian qua, qua đó Hội LHPN tỉnh cùng chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp triển khai nhiệm vụ ủy thác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay dư nợ ủy thác do Hội phụ nữ tỉnh quản lý đạt 2.222 tỷ đồng, chiếm 35% dư nợ ủy thác, thông qua màng lưới 216/220 cơ sở hội, với 1.160 Tổ TK&VV và 52.284 tổ viên vay vốn. 

Xác định tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đối với cuộc vận động, sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, Hội LHPN đã chuyển tải nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng đến với hơn 26.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó 534 tỷ đồng cho vay đến 13.770 hộ dân tộc thiểu số để sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm; thu hút và tạo việc làm cho 5.814 lao động; xây dựng mới và cải tạo hơn 16.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho 1.048 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ… góp phần cùng toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo theo định hướng.

Cùng với nguồn vốn TDCSXH, với sự chủ động tích cực của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu trong cuộc sống như: thu nhập, lao động việc làm, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, học tập của con em… đã có rất nhiều gương phụ nữ điển hình về thoát nghèo trong thời gian qua. Hoạt động TDCSXH đồng hành cùng hộ nghèo, giúp họ tiếp cận với việc vay vốn, chuyển biến về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ dần các phong tục lạc hậu, tiếp cận với cách thức sản xuất hàng hóa, tạo sự chủ động, sáng tạo. Phần lớn hội viên phụ nữ DTTS đã tạo được thói quen tiết kiệm, tích lũy tài chính cho gia đình, đến nay có  hơn 52.000 tổ viên vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư gần 125 tỷ đồng, tỷ lệ số tổ viên tham gia hàng tháng đạt từ 87% trở lên. 

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn chính sách tín dụng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU của Tỉnh ủy, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý vốn tín dụng chính sách; chủ động nguồn vốn ủy thác để ngân hàng mở rộng cho vay các đối tượng chính sách. 
Hai là, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình vay vốn ưu đãi, làm ăn hiệu quả trong Hội viên hội phụ nữ; tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế giữa các địa phương, nhất là các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS,… thực hiện lồng ghép, gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Phối hợp cùng NHCSXH hướng dẫn tổ viên, hội viên phụ nữ tiếp cận với công nghệ số của NHCSXH, đưa các dịch vụ tài chính đến với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng dần tỷ lệ phụ nữ dân tộc tiếp cận các tiện ích xã hội. 
     Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra giám sát hàng năm, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát cơ sở, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, hạn chế; quan tâm, chú trọng bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác.
      Bốn là, phối hợp các cơ quan, báo đài, nền tảng mạng xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của địa phương./.
                                                                                       Nguồn NHCSXH tỉnh Gia Lai

CÁC TIN KHÁC

  1         ...